Bảo dưỡng Bể Thủy Sinh trong một Thời Gian Dài
Takashi Amano (Nature Aquarium Complete Works 1985-2009)
Tôi luôn có ý tưởng về việc làm sao để bảo dưỡng, duy trì bể thủy sinh trong một khoảng thời gian dài ngay từ lúc bắt đầu sáng tác các layout thủy sinh. Tôi cũng đã từng làm việc với những sinh cảnh biotopes và cây bonsai tự nhiên. Như bạn biết đấy, công việc bảo dưỡng và duy trì cho những loại hình đó có thể kéo dài đến cả hàng trăm năm. Chúng thường mang lại những cảm giác đặc biệt về sự tinh túy cũ kỹ đã được nuôi dưỡng bởi thời gian.
Tôi thường cố gắng tạo ra những tác phẩm có thể duy trì được trong một thời gian dài, và điều đó không ngoại lệ với Nature Aquarium. Phải thú thật là, việc duy trì bảo dưỡng một cách thường xuyên trong nhiều năm là khá vất vả. Chính vì thế, bí quyết để tạo ra những layout đi cùng năm tháng đó là cho ra đời những layout không yêu cầu việc bảo dưỡng, bảo trì quá nhiều. Để làm được việc đó, chúng ta có thể sử dụng những cây thủy sinh sinh trưởng chậm và không cần cắt tỉa nhiều như là rêu (mosses) hoặc dương xỉ (ferns). Và cũng rất quan trọng là chúng ta phải thiết kế layout sao cho việc bảo dưỡng được dễ dàng nữa nhé.
Để duy trì được hồ thủy sinh không bị xuống cấp và giảm hấp dẫn thì cần phải mạnh tay quyết đoán cắt tỉa những cây cắt cắm sinh trưởng nhanh. Sau nhiều lần cắt tỉa, chúng ta cần “làm mới” những cây cắt cắm này bằng cách bỏ đi những cành già, cắm lại những ngọn khỏe vào thời điểm thích hợp. Việc đó sẽ giúp cho cây cắt cắm luôn tươi mới. Những lá dương xỉ (ferns) già cần được cắt bỏ và rêu (mosses) gắn vào lũa cần được cắt tỉa trước khi nó mọc quá dày. Xin ghi nhớ, trong mọi trường hợp thì việc cắt tỉa một cách quyết đoán chính là điều tối quan trọng.
Trong bức ảnh này, bể thủy sinh đã được duy trì trong suốt sáu năm các bạn ạ. Các cây thủy sinh ở đây được duy trì bằng việc cắt tỉa và trồng lại những ngọn cây khỏe như nêu ở trên. Thế nên từ khi setup tới giờ, các cây thủy sinh trong layout này chưa cần phải thay thế bằng những cây mới. Bolbitis (dương xỉ Châu Phi) còn mọc chồi lên cả trên mặt nước. Còn Crinum (láng xoắn) đã ra hoa khá nhiều lần cơ đấy. Diamond Tetras và Emperor Tetras cũng sinh sôi nảy nở một cách tự nhiên và thế hệ trẻ nối tiếp thế hệ già ở đây. Duy có một điều khá khoai ở bể thủy sinh này đó là bảo dưỡng cát Rio Negro Sand trong một thời gian dài. Nào là chất thải của cá, tôm,… nào là đất nền xì ra trên nền cát trắng, rồi thì cát cũng bẩn và biến màu theo thời gian. Vì thế, nên việc hút sục cát bẩn trong mỗi lần bảo dưỡng và thay thế cát mới cũng cần phải làm một cách định kỳ thường xuyên. Đối với ADA thì khá dễ dàng vì nhân viên của chúng tôi làm việc đó đều đặn, nhưng với những người chơi bận rộn thì cũng tốn khá nhiều thời gian đấy. Việc sử dụng cát trong layout này cũng phần nào hạn chế việc diễn tả sự “cũ kỹ tinh túy” theo thời gian của bể. Chính vì thế, trong các layout sau này, tôi cũng suy tính sử dụng cát một cách kỹ lưỡng để sao cho việc bảo dưỡng duy trì layout trong một thời gian dài được dễ dàng hơn.
( Nature Aquarium Complete Works 1985-2009 )

Trả lời

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Post comment