HƯỚNG DẪN VỀ THỦY SINH – CƠ BẢN VÀ CHUYÊN SÂU

PHẦN II : Tiềm Hiểu Chuyên Sâu Về Các Thông Số Trong Thủy Sinh

II. CÁC THÔNG SỐ THỦY SINH VÀ CÁCH NHẬN BIẾT THIẾU HỤT

1. GH, KH, PH và TDS:     

a.GH:      

b.KH:     

c. pH       

d. TDS:       

2. Amoniac, Nitrite, Nitrate:       

a. Amoniac:       

b. Nitrite(NO2):       

c. Nitrate(NO3):       

3. Kali, Phosphate:       

a. Kali:       

b. Phosphate:       

4. Các nguyên tố vi lượng:       

5. Dấu hiệu nhận biết sự thiếu hụt       

6. Hướng dẫn châm liều lượng phân bón và theo dõi:       

a. Thành phần các chất trong Seachem:       

b. Cách châm phân nước theo phương pháp EI.Dosing:       

c. Bảng Mulder theo dõi dinh dưỡng:       

d. Hướng dẫn châm liều lượng chung:      

Mẫu hồ thủy sinh đẹp được cập nhật liên tục trên kênh youtube: BestAqua

1. GH, KH, PH và TDS:

a.GH:

GH hay còn gọi là General Hardness là độ cứng chung của nước đơn vị chuẩn là dGH, được quyết định bởi mật độ ion Ca+ và Mg+ trong nước được đo với thông số ppm(parts per millions) hay mg/l. Nước có mật độ Canxi và Magie càng cao thì GH càng cao. Những ion này được tiết ra bởi các loại đá vôi như đá kẹp kem, đá da voi, đá tai mèo…v…v…

Chỉ số này chỉ cho thấy lượng tổng Ca+ và Mg+ chứ không cho ta biết được tỉ lệ của chúng trong nước. Chỉ số này bạn chỉ cần quan tâm khi bạn chơi tép hoặc khi nó quá cao.

Thông thường các loại cá nước ngọt thích môi trường từ 4 độ dGH tới khoảng 8 độ dGH. Tuy nhiên, chúng có thể được thích nghi với nước cứng hơn nhưng mình khuyến cáo các bạn đừng làm vậy. Nước càng có độ dGH cao, sẽ càng cứng và càng khó cho cá thực hiện quá trình trao đổi chất qua mang. GH cao còn làm cho tép khó lột vỏ do vỏ tép trở nên dày và cứng.

Vậy mục đích của việc bạn biết tới GH để làm gì? Thứ nhất, bạn biết được TDS của nước bạn có bao nhiêu ppm là Ca+ và Mg+ và thứ hai, cây cũng cần 1 lượng kha khá canxi và magie nên việc bạn có 1 GH ổn từ 4-8 là vô cùng quan trọng.

Chú ý rằng, GH bạn quá cao(khoảng >11dGH) cũng là 1 nguyên nhân dẫn tới rêu bùng phát, đặc biệt là rêu tóc.

b.KH:

KH hay còn gọi là Carbonate Hardness, chữ K xuất phát từ tiếng Đức(Karbonate). Đơn vị chuẩn là dKH được quyết định bởi mật độ ion CO3- và HCO3- trong nước được đo bằng thông số ppm hay mg/l. Khác với GH, chỉ số KH trong nước có vai trò như 1 màn đệm.

Đầu tiên, như các bạn có thể đã nghĩ ra được, GH và KH đều xuất phát từ đá vôi(CaCO3) là chủ yếu. CaCO3 mang tính kiềm và hiển nhiên ion CO3- cũng mang tính kiềm. Điều này dẫn tới việc nếu bạn có càng nhiều lượng carbonate trong nước, nước bạn sẽ càng mang tính kiềm cao hơn đồng nghĩa với việc pH bạn tang lên.

KH còn là 1 màn đệm cho pH. Điều này có nghĩa là nếu bạn muốn giảm pH của nước bằng 1 dung dịch khác mang tính acid. Lượng acid đó phải trung hòa hết được lượng carbonate trong nước của bạn trước rồi sau đó pH của bạn mới giảm được. Nếu các bạn muốn biết kH trong nước bạn có cao hay không mà không có test kit để thử thì bạn có thể sử dụng cách sau:

_Lấy dung dịch thử pH và đo dung dịch nước của bạn

_Đừng đổ nước đã đo dung dịch đó mà hãy để tự nhiên không đậy nắp khoảng 6-8 tiếng.

_Qua thời gian, màu của dung dịch sẽ thay đổi vì nếu nước bạn có kH cao, pH của bạn cũng sẽ tang theo. Chính vì điều đó mà nước máy thường pH là 7.5-8 do nhà phân phát nước thường châm thêm Natri Carbonate để trung hòa các loại acid trong đường ống dẫn nước trong quá trình vận chuyển từ nhà máy nước sang khu tiêu thụ. Điều này sẽ giúp bạn ổn định lại kH đã bị mất nếu như bạn không xài đá vôi và có châm CO2.

Chú ý rằng, nếu hồ bạn không xài CO2, lượng acid trong hồ sẽ rất thấp nên sẽ không làm cho đá vôi tiết ra carbonate và đồng nghĩa với việc hồ bạn kH sẽ gần như không tăng hoặc tăng rất chậm.

KH rất quan trọng trong hồ, vì nó đảm bảo cho độ ổn định của pH. Nó giữ không cho pH thay đổi đột ngột nhất là vào ban đêm khi cây thở ra nhiều CO2. KH bạn càng thấp, bạn càng dễ giảm pH. Không bao giờ được để kH = 0 vì nếu kH=0, pH của bạn có thể thay đổi quá nhanh dẫn đến stress cá và gây chết. KH tốt nhất là trong khoảng 2-6.

Các bạn cần biết về KH vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới độ pH của các bạn. Chính vì vậy khi bạn xài nhiều đá vôi mà có sử dụng CO2 qua 1 thời gian, bạn sẽ thấy pH bạn tăng dần lên vì lượng carbonate tích tụ trong nước tăng lên dẫn tới pH bạn tăng mà rất khó để hạ xuống thấp hơn.

Chú ý những phân nền có khả năng giảm pH nước hay tất cả những vật liệu lọc có khả năng giảm pH nước đều chịu ảnh hưởng của kH. Nếu lượng kH càng cao, phân nền và vll sẽ càng phải nhả acid nhanh hơn, làm giảm tuổi thọ của phân nền và vật liệu lọc. Tuy nhiên, kH quá thấp thì pH sẽ tang giảm rất đột ngột có khả năng gây chết cho cá tép. Luôn cố gắng giữ một mức an toàn ở khoảng 2-4 dkH.

c. pH

Các bạn đã quá quen với pH rồi nên mình sẽ nói gọn thôi. Các chỉ số pH thông thường là:

  • Soda: 2.5-4
  • Nước giếng: 4.5-5
  • Nước RO: 5-7(tùy độ tinh khiết, càng tinh khiết pH càng thấp vì kH càng nhỏ và CO2 hòa tan trong nước từ khí quyển đủ kéo pH xuống)
  • Nước suối: 4.5-6.5
  • Nước suối khoáng chất: 7-7.5
  • Nước máy từ vòi: 7.5-8

Khi bạn muốn tang pH, điều này rất dễ vì bạn chỉ cần cho carbonate hoặc nguồn carbonate vào hồ và sục khí CO2 để kích thích đá vôi tiết ra chất carbonate. Sau đó nó sẽ giữ yên ở mức pH đó và không thay đổi. Tuy nhiên, nếu bạn muốn giảm pH thì khó hơn nhiều, bạn phải hoặc pha loãng lượng carbonate có sẵn trong hồ hoặc sử dụng sản phẩm như acid buffer của seachem. Nó sẽ giải phóng carbonate ở dạng khí CO2 tương đương với việc giảm KH và giúp bạn giảm được pH dễ dàng hơn.

Chú ý pH cao sẽ dễ bị rêu hơn là pH thấp và cây trồng thủy sinh phát triển tốt nhất ở môi trường pH mang tính hơi acid: 6.5-7

Lý do pH bạn cao: Do kH bạn cao và lượng Ca+ và Mg+ cao trong nước. Mặc dù Ca+ và Mg+ quan trọng cho cây và cá,tép nhưng Mg+ nhiều quá 10mg/l sẽ gây khó khan cho việc hấp thụ Canxi. Hơn nữa, pH bạn cao quá(khoảng 8) cũng làm cho cây bạn chậm phát triển hơn. Ngoài ra, nếu ammoniac trong hồ bạn cao mà vi sinh bạn chưa ổn định có thể gây tang pH vì tích tụ quá nhiều.
Có những loại phân nền có khả năng tang và giữ pH ở mức cố định

Lý do pH bạn thấp: Do hồ bạn có nhiều Nitrite và Nitrate, acid tannin, humins.v…v.. Các loại mùn cũng giảm pH hồ bạn.

Để tang pH thì rất đơn giản:

  • San hô vụn có thể làm tang độ pH và kH cùng 1 lúc. Tuy nhiên mức tang này khó kiểm soát. Chú ý nếu xài san hô cục bự thì độ hòa tan sẽ ít hơn. Nếu bạn có xài CO2, tùy lượng CO2 ít hay nhiều mà pH và kH sẽ tang chậm hơn hay nhanh hơn tương ứng. pH ổn định của cách này là khoảng 9.5-10
  • Sử dụng các loại đá vôi (đá tai mèo, đá kẹp kem, đá da voi, đá dolomite..v..v..) sẽ giúp tang kH và pH theo thời gian. Tương tư như san hô vụn, sử dụng CO2 càng nhiều kH sẽ tang thêm nhiều hơn và pH ổn định nhanh hơn. pH ổn định của cách này là khoảng 8.5-9

Để giảm pH thì khó khan hơn, thứ nhất vì những kim loại có ion hòa tan trong nước có khả năng làm bộ đệm cho pH, tức kH và điều đó làm pH không giảm xuống ở điều kiện bình thường(không có Co2). Thứ hai, các ion HCO3- và CO3- trong nước cũng khiến cho nước có độ kH nhất định. Vậy thì muốn giảm pH, trước nhất phải giảm được kH.

  • Thay nước 50% mỗi ngày với nước RO có TDS <10. Điều này sẽ khiến cho độ kH giảm từ từ cho tới mức bạn muốn. Đủ thấp để có thể dễ dàng bị hạ xuống bằng những yếu tố khác như CO2, lũa, peat moss. Cách này vô cùng đơn giản nếu như bạn đã có sẵn những nguồn gây pH giảm. Chú ý không bao giờ để kH = 0. Trung bình tùy loại cá, tép mà bạn hãy để kH ở mức độ khác nhau.
  • Sử dụng các loại vật liệu có khả năng giảm pH(nhả acid) như Amazonia Ver 2 của ADA. Nếu kH thấp hoặc không có nguồn kH ổn định, pH của hồ bạn có thể được phân nền này giảm xuống còn 5.5-6.5.  Vật liệu lọc Neo soft cũng có khả năng làm mềm nước và giảm pH tuy nhiên chú ý kH của hồ bạn. kH hồ bạn càng cao thì khả năng giảm pH của vll của bạn sẽ càng giảm cũng như tuổi thọ của nó cũng giảm theo. Bạn cũng có thể sử dụng Acid regulator(seachem) hoặc Acid buffer(seachem), Acid buffer có khả năng giảm kH và acid regulator sẽ kết tủa Ca và Mg trong nước giúp giảm pH nhiều hơn nữa.
  • Sử dụng cách tự nhiên như peatmoss, lũa….Tất cả những chất hữu cơ là cây khi phân hủy đều sẽ tiết ra acid tannin. Acid này có màu vàng của trà và có tính acid nhẹ. Bạn có sử dụng cho hồ biotop hoặc ngay cả hồ thông thường nếu như bạn có xử lý qua trước. Lưu ý là ngay cả sau khi xử lý, lũa, peatmoss vẫn sẽ tiết ra acid tannin và vẫn sẽ gây vàng nước nhưng ở mức độ quá nhỏ nên bạn sẽ không thấy được.

Cuối cùng, cá, tép nào cũng có thể làm quen được với pH nằm ngoài khả năng của chúng 1 chút. Chẳng hạn tép ong bạn hoàn toàn có thể cho nó làm quen với pH 8, tuy nhiên nó sẽ không phát triển được như trong môi trường lý tưởng và thời gian làm quen sẽ kéo dài. Chính vì vậy quan trọng nhất của pH là sự ổn định. Đừng nên chạy theo 1 số pH nào nếu như bạn không có khả năng giữ số pH đó ổn định.

pH cũng có khả năng tăng hay giảm mức độ hòa tan của các chất:

d. TDS:

Khi nói tới TDS (Total Disolved Solids), nó có một số liệu liên quan là TSS (Total Suspended Solids). TDS hiểu nôm na là lượng chất rắn hòa tan trong nước. Nó bao gồm phần lớn là muối, ion và 1 phần nhỏ các nguyên tố vi lượng. Trong thủy sinh TSS mình sẽ không cần chú ý.

TDS cho các bạn biết được nước của bạn là nước cứng hay mềm:

  • TDS < 70 ppm: nước rất mềm
  • TDS 71-140 ppm: nước mềm
  • TDS 141-210 ppm: nước hơi cứng
  • TDS 211-320 ppm: nước cứng vừa
  • TDS >320 ppm: nước cứng

Nước bạn càng cứng, tức có càng nhiều chất rắn hòa tan trong đó. Nước cứng sẽ khiến cây bạn khó trao đổi chất hơn và nước quá mềm sẽ khiến cây không phát triển được.

TDS có sự liên quan tới pH. Nếu TDS bạn càng thấp thì pH bạn cũng sẽ càng thấp, TDS bạn càng cao thì pH của bạn có khả năng mang tính kiềm cao. Điều này sở dĩ vì kH là độ hòa tan của ion HCO3- và CO3-, cũng đóng góp vô tổng pmm của TDS. Tương tự GH cũng thế.

Điều này vô cùng quan trọng vì nếu mình bỏ 1 muỗng đường hoặc muối vô hòa tan trong nước. TDS của nước mình sẽ vẫn tang nhưng đường và muối không phải là chất dinh dưỡng mà cây trồng hay cá cần. Bạn sẽ phải chú ý về TDS vì nếu bạn không biết được muối hòa tan trong nước là gì thì chỉ số TDS của bạn sẽ trở nên vô nghĩa. Chính vì vậy khi đo TDS, phải đo chung với GH và KH.

Lưu ý, TDS sẽ thay đổi theo thời điểm trong ngày cũng như qua thời gian. Thời gian bạn đo TDS cũng sẽ chịu ảnh hưởng theo điều này.

Ví dụ; TDS trong hồ mình đo vào 9h tối là 197 ppm. Trong đó:

  • GH mình đo là 7 dGH = 116 ppm
  • KH mình đo là 3 dKH = 53 ppm
  • Nitrate(NO3) mình đo là 15 mg/l = 15 ppm
  • Nitrite(NO2) luôn = 0 ppm
  • Mình vừa châm vi lượng hôm nay => Lượng TDS khác trong nước của mình là:
    197 –GH – KH – NO3 – NO2 = 13 ppm
  • Amoniac tổng hợp(NH3 tự do và NH3 dạng ion) của mình là <0.25ppm
  • Phosphate(PO4) của mình là 0.5 ppm
  • Kali của mình trong khoảng 10 ppm.
  • Vậy các nguyên tố vi lượng còn lại trong hồ mình sẽ có TDS là:
    13 – NH3/NH3H – PO4 – K = 2.25 ppm.
  • Các nguyên tố vi lượng đó là những nguyên tố như Fe(mình giữ khoảng 1ppm), Bo, Mn, ….

Như các bạn thấy, từ chỉ số TDS và các số liệu khác mình đo được. Chỉ số TDS mới có nghĩa.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các bạn phải có tất cả các test kit như mình. Điều này không nhất thiết phải có. TDS nó cho bạn biết được hồ bạn có hòa tan nhiều hay ít chất rắn thôi nên

  • Nếu như TDS bạn thấy cao quá, thì đã tới lúc bạn nên thay nước 50% rồi đấy. Nếu TDS
  • Nếu như TDS bạn quá thấp, thì bạn nên châm thêm khoáng.

Ở mức độ nghiệp dư, chỉ cần như vậy là ổn đối với chỉ số TDS rồi.

Nếu bạn nào muốn đi sâu hơn như mình, thì mình thường test tất cả chỉ số vào mỗi tuần hoặc khi mình muốn kiểm tra vấn đề châm phân nước của mình và khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cây. Amoniac, Nitrite và Nitrate mình test mỗi ngày khi mình bắt đầu cycle hồ cho tới khi lượng Amoniac và nitrite = 0ppm.

2. Amoniac, Nitrite, Nitrate:

a. Amoniac:

Amoniac tồn trong nước ở hai dạng: Amoniac tự do(NH3) và Amonium (ion NH4). Trong 2 loại này thì Amoniac tự do là thành phần cực độc ngay cả khi ở liều lượng 0.05ppm trong nước. Amonium thì ngược lại, vô hại với cá, tép và là thành phần mà cây rất thích và sẽ hấp thụ đầu tiên để lấy nitrogen. Cây ưu tiên Amonium (ở dạng Ure) hơn là Nitrate. Amonium và Amoniac mang tính kiềm và sẽ tang pH của nước.

Amoniac nói chung (bao gồm tự do và ion) hình thành từ sự phân hủy của các chất hữu cơ(chủ yếu là từ phân cá) hoặc xuất phát từ phân nền(Amazonia ver.2, phân nền này nhả ion Amoniac dạng Ure chứ không phải nhả Amoniac tự do). Ngay cả hoạt động hít thở của cá tép cũng nhả ra 1 phần NH3.

Khi Amoniac có quá nhiều trong nước đó là do có quá nhiều chất hữu cơ đang được phân hủy bởi các vi khuẩn có sẵn trong nước thuộc họ Heterotrophic bacteria. Chính những vi khuẩn này thải ra Amoniac trong quá trình đó. Khi đó nước bạn có thể trở nên đục trắng vì dòng vi khuẩn này bự hơn và phát triển nhanh hơn nhiều so với dòng Autotrophic. 1 cá thể sau 15 tới 20 phút trong điều kiện lý tưởng có thể nhân đôi số lượng trong khi dòng Autotrophic cần tới 24-48 tiếng để nhân đôi số lượng. Hiện tượng đục trắng nước là do vi sinh phát triển quá mạnh. Bạn có thể thấy được điều đó nếu như hồ bạn đêm chết 2, 3 con cá và sáng dậy thấy nước đục trắng hẳn. Đó không phải là nước bạn có vụn cá liti mà bạn đang nhìn hàng trăm tỷ con vi sinh đấy.

Như vậy, Amoniac tự do trong hồ bạn tang không kích thích sự bùng phát của vi sinh mà ngược lại, nó là kết quả của điều đó. Nếu như giống Autotrophic (mình sẽ nói về dòng này sau) của bạn không phát triển kịp để xử lý Amoniac tự do. Cá bạn có thể sẽ chết hàng loạt chỉ sau 1 đêm.

Lưu ý rằng, các test kit mà bạn mua, của Sera hay API đều đo lượng Amoniac ở dạng tổng hợp, tức bao gồm cả lượng Amoniac tự do và lượng ion Amonium. Chính vì vậy, nếu bạn test mà thấy Amoniac bạn tới 1 mg/L, bạn phải cân nhắc những yếu tố khác:

  • Nhiệt độ càng cao, ion Amonium chuyển thành Amoniac tự do càng nhiều.
  • pH càng cao, ion Amonium chuyển thành Amoniac tự do càng nhiều và tăng theo số logarit. Ví dụ: 1 độ tăng pH có lượng Amoniac tự do nhiều gấp 10 lần

Đây là bảng tính lượng Amoniac tự do dựa trên test kit Amoniac tổng hợp:

https://www.hamzasreef.com/Contents/Calculators/FreeAmmonia.php

Total Ammonia Measurement là số liệu mà bạn dùng test kit đo được

Salinity là độ mặn của nước. Đối với hồ nước ngọt bạn cứ để 0

Như bạn thấy khi pH = 8 lượng Ammoniac tự do trong nước tới 0.0274 ppm trong khi chỉ cần 0.025 ppm là đủ gây stress cho cá tép và 0.05 ppm là ngưỡng độc hại có khả năng gây chết.

Tuy nhiên, khi pH ta chỉ còn 7, lượng Ammoniac tự do giảm tới 10 lần còn 0.0029 ppm. Chính vì điều này mà hồ pH thấp sẽ ít khi gặp vấn đề về lượng Ammoniac tự do 0.49971 ppm còn lại trong nước chính là Amonium vô hại với cá, tép.

Quay lại với pH 8 nhưng ta tang nhiệt độ lên 33 độ C

Các bạn có thể thấy rõ ràng lượng NH3 tăng lên gần ngưỡng độc hại

Tương tự với pH =7.

Điều này cho ta thấy rằng, nước bạn với pH càng thấp sẽ càng an toàn hơn với cá tép vì Amoniac chuyển thành dạng ion vô hại. Tất nhiên các bạn phải chú ý các loại cá tép của bạn sống ở khoảng pH nào là tốt nhất chứ đừng đuổi theo bất kỳ số pH nào.

Nếu các bạn xài phân nền nhả Ammonium nhiều như của ADA, chỉ số Amoniac những ngày đầu của bạn sẽ rất cao, tới 1mg/L nhưng pH của bạn khả thấp, khoảng 6.5 hoặc có thể thấp hơn nếu KH bạn thấp. Sử dụng test kit có thể gây nhầm lẫn là hồ bạn có độc quá nhiều nếu bạn không hiểu rõ về Amoniac tự do và Ammonium.

Điều này áp dụng cho các loài tép đặc biệt là tép ong(ong thường, pinto, galaxy fishbone…v..v..). Các nhà buôn đều yêu cầu pH thấp, nhiệt độ thấp và họ nói đó là “yêu cầu” sống của tép. Đấy không hoàn toàn đúng, như con người, mình có thể sống ở xích đạo rất nóng, cũng có thể sống ở Alaska rất lạnh. Vấn đề ở đây là Amoniac ở nhiệt độ cao và pH cao sẽ trở nên rất độc và dòng tép ong càng đẹp càng bị lai tạo cận huyết nhiều nên trở nên rất yếu, càng yêu cầu về lượng Amoniac tự do trong nước thấp. Đây chính là lý do họ yêu cầu pH thấp và nhiệt độ thấp.
Mình đang nuôi dòng pinto red và black, ở pH 7.5, GH 4, Ammoniac = 0, Nitrite = 0, Nitrate =5 mg/l ở nhiệt độ 30 độ. Hoàn toàn bình thường và không hề chết con nào. Đây là lý do kinh nghiệm có thể giúp bạn ở một vài trường hợp nhưng không thể phát triển được.

b. Nitrite(NO2):

Nitrite cũng như Amoniac tự do, là 1 chất cực độc nhưng ở nồng độ 5ppm . Chỉ cần 0,75ppm là đủ để gây stress cho cá bạn và từ 2ppm trở lên thì những chú cá yếu sẽ chết ngay. Nitrite không phụ thuộc vào nhiệt độ và pH như Amoniac và phải luôn luôn giữ nó ở mức 0ppm.

Khi nãy mình nói về dòng vi khuẩn heterotrophic chuyển Chất hữu cơ thành Amoniac thì dòng Autotrophic là dòng chuyển Amoniac thành Nitrite và Nitrite thành Nitrate. Dòng này có trong nước rất ít. Chính vì điều đó mà những chai vi sinh bạn hay châm có một số lượng lớn dòng này ở dạng ngủ đông để kích thích dân số chúng phát triển vì chúng phát triển quá chậm.

Để một hồ cân bằng về số lượng giữa dòng Heterotrophic và Autotrophic sẽ cần khoảng 4-6 tuần nếu không có vật liệu lọc nào được bỏ vô từ 1 hồ đã cycle. Nhiệt độ càng cao hồ cycle sẽ càng nhanh.

Nitrite mang tính acid và sẽ giảm pH của hồ. Đáng buồn là cây sẽ không hấp thụ Nitrite mà cây sẽ chọn hấp thụ dạng đã qua xử lý của nó là Nitrate(NO3). Test kit đo Nitrite phải luôn luôn có và sử dụng nhiều trong quá trình cycle hồ

c. Nitrate(NO3):

Nitrate là sản phẩm cuối cùng của bộ 3 Amoniac-Nitrite-Nitrate và ít độc hơn rất nhiều so với 2 chất trên. Nitrate chỉ độc ở liều lượng rất cao là 200 ppm. Tuy nhiên, trung bình thì Nitrate trên 100ppm là đã gây nguy hiểm cho cá, tép. Từ 50 ppm trở lên là đủ gây stress và thậm chí lượng Nitrate trong hồ từ 50 ppm còn làm cây chậm lớn và có khả năng ngừng phát triển.

Khi Amoniac thường được giữ ở mức <0.25ppm và Nitrite ở mức 0 ppm thì Nitrate nên được giữ ở mức 10-25 ppm. Nitrate là nguồn Nito chính của cây trồng nên đây là mức lý tưởng và phù hợp cho hồ có nuôi cá. Đối với tép, Nitrate phải nhỏ hơn 10ppm vì tép rất nhạy cảm với nước. Hồ mình giữ Nitrate ở mức 25 ppm nên đôi khi vẫn phải hốt xác 1 con tép SRC.

Thông thường, Nitrate trong hồ ổn định rồi sẽ không thiếu, bạn nếu muốn tang thêm có thể nuôi thêm cá để tạo thêm Nitrate. Tuy nhiên, chú ý độ hạnh phúc của cá bạn. Quá nhiều cá sẽ làm cá không vui. Giống như bỏ 10 người vào 1 căn phòng 10 mét vuông nó khác với bỏ 2 người trong 1 căn phòng 10 mét vuông. Nếu mình không thích sự chật chội thì cá cũng vậy. Hãy đối xử thật tốt với chúng.

Chính vì Nitrate có thể được hình thành trong hồ mà các loại phân nước thường chứa ít Nitrate mà chứa nhiều Kali và 1 chút Phosphate. Test kit cho Nitrate bạn cũng nên có để có thể theo dõi sự hấp thụ dinh dưỡng của cây và bón phân thích hợp.

3. Kali, Phosphate:

a. Kali:

Kali hay tiếng anh là Potassium. Đây là nguyên tố đa lượng lượng thứ 2 mà cây xài nhiều với Nitrate là nguồn Nitơ đa lượng thứ nhất. Khác với Nitrate, Kali không xuất hiện từ bất kỳ quá trình phản ứng nào trong hồ. Chính vì thế việc bạn có châm thêm phân nước Kali hoặc có phân nền giàu Kali là vô cùng cần thiết vì Kali hỗ trợ cho việc quang hợp của cây. Nếu như cây không có Kali, cây sẽ không thể quang hợp và quang hợp mạnh hay không là dựa vào lượng Kali trong nước.

Kali còn hỗ trợ hấp thụ các chất dinh dưỡng khác. Đây đối với mình là nguyên tố đa lượng quan trọng nhất mà bạn phải để ý. Như các bạn đã thấy, hồ mình giữ Kali ở mức 10 ppm. Đây là mức cao nhất mà bạn nên giữ. Nếu như hồ bạn dư Kali; ở khoảng từ 15 ppm trở lên, nó sẽ ngăn cản cây bạn hấp thụ Canxi trong nước, khiến cho bạn thấy lá cây mới èo ọt và bị cong và nghĩ rằng bạn đang thiếu Canxi nên cứ châm thêm Canxi nhưng cuối cùng lại làm mọi chuyện tệ hơn.

Tuy nhiên, dư Kali bao giờ gây rêu và tảo hại nên bạn hoàn toàn có thể châm hơi dư 1 chút như mình. Để lấy 1 tiêu chuẩn nhất định thì 1 nắp(5ml) của phân nước Potassium của Seachem sẽ tặng lượng kali lên 2ppm cho 125L nước. Bạn sẽ phải châm khoảng 5 nắp rưỡi để đạt nồng độ Kali trong nước đúng yêu cầu là 10mg/L.

Lưu ý Kali được hấp thụ rất mạnh và thường đi chung với biểu hiện thiếu Nitrogen. Nếu bạn theo đúng hướng dẫn của các phân nước khác thì hầu như bạn sẽ không bao giờ gặp phải trường hợp thiếu Kali.

b. Phosphate:

Phosphate hay PO4 là sản phẩm phụ trong quá trình vi sinh phân hủy chất hữu cơ. Cây cần 1 lượng thấp PO4 và đặc biệt khác với Nitrate và Kali. Cây hoàn toàn có khả năng trữ PO4 để xài từ từ nên việc bạn châm PO4 nó không cấp thiết như Nitrate và Kali.

Tuy nhiên, đối với Phosphate, bạn cần phải giữ mức PO4 ở khoảng 0.5 ppm – 2 ppm. Từ 2 ppm trở lên hoặc dưới 0.5 ppm ta sẽ có một loài tảo hại rất quen thuộc. Tảo đốm xanh        

Nếu như bạn thấy hiện tượng này thì hoặc bạn châm quá nhiều Phosphate hoặc bạn châm quá ít Phosphate.

Lưu ý rằng Phosphate là sản phẩm phụ của quá trình phân hủy nên trong một hồ đã ổn định thì lượng cành cây, lá cây chết và đồ ăn vụn sẽ tạm đủ cho nhu cầu của cây. Tất nhiên, theo lượng cây bạn có trong hồ mà nhu cầu Phosphate sẽ tăng lên hay giảm xuống.

4. Các nguyên tố vi lượng:

  • Canxi: Canxi khá cần thiết cho cây. Nó giúp cây phát triển lá non khỏe hơn. Bạn có thể châm thêm Canxi bằng phân nước vi lượng hoặc sử dụng các loại đá vôi chung với CO2 để đá tiết ra Canxi. Đây là nguyên tố mà bạn có thể có dư trong hồ với 2 bất lợi duy nhất cho bạn là pH hồ bạn sẽ tang và TDS của bạn cũng sẽ tang theo rất nhanh.
  • Magie: Magie cần thiết cho sự hấp thụ của Canxi. Tuy nhiên Magie không cần nhiều trong nước, như Kali, nếu Magie có quá nhiều > 10 ppm sẽ ngăn cản sự hấp thụ Canxi của cây.
  • Mangan: Mangan hỗ trợ cây hình thành diệp lục và làm cho cây khỏe hơn với những tác động của bên ngoài. Cây cần rất ít nguyên tố này
  • Ferrum(Sắt): Sắt rất cần thiết cho cây, cùng với Kali. Sắt hỗ trợ quá trình quang hợp và hình thành diệp lục. Đặc biệt , sắt rất cần cho việc phát triển màu của các cây màu đỏ. Tuy nhiên, nếu sắt có quá nhiều trong nước, sẽ gây bùng phát rêu hại đặc biệt là rêu tóc. Sắt được cây hấp thụ rất nhanh và bạn có thể phải châm 1 lượng phân nước sắt mỗi ngày nếu như hồ bạn nhiều cây đỏ.
  • Boron: Hỗ trợ việc hình thành chồi của cây. Nếu bạn thấy chồi của cây bạn rất dễ bị gãy(đặc biệt là đối với Bucephalandra) điều này cho thấy cây bạn đang thiếu Boron. Tuy nhiên, lượng boron trong các phân nước vi lượng thường là đã đủ nên bạn không cần phải chú ý.
  • Ngoài ra còn rất nhiều như Zn(kẽm),Cu(Đồng), Cl,.v…v.. nhưng những nguyên tố này ở mức rất thấp.

5. Dấu hiệu nhận biết sự thiếu hụt

1. Đây là lá mới. Khi bạn thấy lá cây mới của bạn có màu ngả vàng hoặc màu nhợt nhạt và bị uốn nhiều. Đây là dấu hiệu thiếu Canxi hoặc K và Mg có quá nhiều trong nước

2. Đây cũng là lá mới. Khi bạn thấy lá mới của bạn vàng hết cả lá như vậy và lá cây ra nhỏ hơn hẳn thì đây là dấu hiệu của thiếu Nitrogen. Tuy nhiên, đối với cây lá đỏ, việc thiếu Nitrogen trong một thời gian sẽ khiến cho màu lá càng đỏ hơn. Nếu để lâu, cây sẽ chết nên không khuyến cáo các bạn làm vậy.

3. Đây là 1 lá khỏe mạnh .

4.Khi ở những lá cũ mà bạn thấy tình trạng vàng lá thế này thì đây là dấu hiệu của thiếu sắt. Thậm chí nếu thiếu sắt trầm trọng có thể vàng hết cả cây vì sắt là nguyên tố hỗ trợ hình thành diệp lục cho cây có màu xanh. Hơn nữa, đối với cây lá đỏ, thì bạn sẽ thấy lá cây thành màu cam hoặc vàng cam.

5.Khi ở lá cũ bạn thấy tình trạng lá vàng từ ngoài vào từ từ. Đây là dấu hiệu để phát hiện thiếu Nitrogen sớm.

6.Thiếu Phosphate cũng gây vàng lá cũ, tuy nhiên khác với thiếu Nitrogen. Do cây hấp thụ ngược, bạn sẽ thấy phần lá đó chết đi rất nhanh theo mảng vàng đó. Có thể có tảo đốm xanh trên lá.

7. Đây là thiếu Mg. Đối với lá đỏ hay lá xanh thì việc thiếu Mg đều cho 1 kết quả là gân lá đậm nhưng phần lá còn lại thì màu xanh nhạt hoặc hồng nhạt(đối với cây lá đỏ)

8.Khi thiếu Kali, thì cây bạn sẽ xuất hiện những lỗ tròn như vậy với rìa những lỗ đó vàng từ từ ra.

Cụ thể hơn:

  • Thiếu Nitrogen:

Đây là cây lá đỏ được trồng trong nước có 0ppm Nitrate(NO3) và cây trồng trong nước 5ppm NO3. Sự thiếu Nitrate cũng sẽ làm cây lá đỏ đỏ hơn.

  • Thiếu Phosphate:
  • Thiếu Kali:
  • Thiếu sắt:
  • Thiếu Mg hoặc/và Ca:
  • Thiếu nguyên tố vi lượng khác:

6. Hướng dẫn châm liều lượng phân bón và theo dõi:

a. Thành phần các chất trong Seachem:

Sau đây là lượng các chất trong 5ml các loại phân nước của seachem khi đổ vào 1 hồ nước có lượng nhất nhất định:

Trong 100L nước, thì 5ml của Seachem Flourish sẽ cho bạn, tức khi bạn đo bằng các test kit trong hồ 250L thì bạn sẽ có những thông số sau:

Nitrogen 3.5ppm
Phosphate 0.5ppm
Kali 18.5ppm
Canxi 7ppm
Mg 5.5ppm
S 13.865ppm
Bo 0.45ppm
Cl 57.5ppm
Co 0.02ppm
Cu 0.005ppm
Fe 16ppm
Mn 0.59ppm
Mo 0.045ppm
Na 6.5ppm
Zn 0.035ppm

Lưu ý rằng Cl ở đây bao gồm cả những phân tử có gốc clo ví dụ như Kali Chloride hoàn toàn vô cho cá tép và cây có khả năng hấp thụ hoàn toàn. Do seachem được yêu cầu phải liệt kê tất cả các thành phần trong phân nước của mình nên rất nhiều chất của seachem có gốc clo nhưng không hề bị phá vỡ thành khí clo hòa tan trong nước gây độc. => Hoàn toàn vô hại khi sử dụng

Sản phẩm kế tiếp là Equilibrium của seachem dùng để tang GH của nước:

Khi bỏ 16g vào 80L nước thì sẽ đo được:

Kali 39ppm
Ca 16.12ppm
Mg 4.82ppm
Fe 0.22ppm
Mn 0.12ppm

 

Sản phẩm kế tiếp là Flourish Nitrogen của seachem:

Khi bỏ 2.5ml vào 160L nước thì sẽ đo được:

Nitrogen 0.0912ppm
Kali 0.1216ppm

Sản phẩm Flourish Potassium của seachem khi bỏ 5ml vào 120L nước sẽ cho 2ppm khi đo.

 

 

 

 

 

 

Sản phẩm kế tiếp là Flourish Phosphorus của seachem:

Khi bỏ 2.5ml vào 80L nước thì sẽ đo được:

Phosphate 0.15ppm
Kali 0.0795ppm

 

Sản phẩm kế tiếp là Flourish Iron của seachem:

Khi bỏ 5ml vào 80L nước thì sẽ đo được 0.2ppm

 

Sản phẩm cuối cùng là Flourish Trace của seachem:

Khi bỏ 5ml vào 80L nước thì sẽ đo được:

Boron 0.175ppm
Co 0.001875ppm
Cu 0.2ppm
Mn 0.53125ppm
Mo 0.01875ppm
Zn 1.05625ppm
Rb 0.0005ppm
Ni 0.000188ppm
V 0.000125ppm

 

Công thức để tính lượng chất trong phân nước của seachem khi biết được phần tram của thành phần chất đó.

1000vP ÷V = C

v = lượng mình châm (ml)

P = % nguyên tố đó trong sản phẩm (%)

V = châm vô trong hồ có bao nhiêu L nước (L)

C = lượng ppm đo được sau khi châm.

b. Cách châm phân nước theo phương pháp EI.Dosing:

Phương pháp EI.Dosing được sử dụng như là một nền tảng để phát triển các kỹ thuật châm phân nước khác. EI dosing được phân theo 7 ngày một tuần nên bạn sẽ phải châm mỗi ngày. Tuy nhiên, cách này yêu cầu bạn tự làm phân nước cho bản thân nên có thể giảm thiểu phần nào chi phí của bạn.
Mặc dù vậy, bạn hoàn toàn có thể sử dụng các thông số của phương pháp này và châm phân nước của các hãng khác nếu như bạn biết được liều lượng bạn châm vào sẽ tăng nồng độ của chất đó bao nhiêu ppm. Mình khuyên nên sử dụng của hãng Seachem vì Seachem có tỷ lệ % của chất trên chai có thể dễ dàng sử dụng công thức trên để tìm ra được nồng độ của chất bạn châm với lượng lít nước của hồ bạn.

Phương pháp này được hình thành do Tom Barr dựa trên tiêu chuẩn lượng chất cần ít nhất để châm. Tức là cây sẽ chỉ phát triển nhanh nhất dựa vào nồng độ chất cần ít nhất. Thật sự như vậy, nếu như cây thiếu 1 chất trong các nguyên tố đa lượng, cây sẽ ngừng quang hợp hoàn toàn, nếu như cây thiếu 1 chất trong các nguyên tố vi lượng, cây sẽ quang hợp giảm rõ rệt và trở nên tiều tụy mỗi ngày.

EI.Dosing là tính ước chừng lượng nhu cầu cần thiết của cây trong hồ nên nó sẽ không phù hợp với hồ cây nhiều và đã set up lâu, nhưng nó vẫn có thể được sử dụng như một nền tảng.

Thông số yêu cầu của hồ bạn mỗi tuần sẽ cần phải châm nhiêu đây lượng:

  • Nitrate(NO3): 20 ppm
  • Potassium(K): 30 ppm
  • Phosphate(PO4): 3ppm
  • Magnesium(Mg): 10ppm
  • Ferrum(Fe): 0.5ppm

Vì hạn chế của việc tiếp cận được với những loại muối để bạn có thể pha. Cách này sẽ không ổn lắm vì khó để mua được muối tinh khiết của từng loại trên cộng với muối kết tinh của các chất vi lượng.

Vậy lý do mình nêu ra phương pháp này để làm gì? Để những bạn có ý muốn đi sâu hơn có thể sử dụng cách này. Bạn chỉ cần lên google gõ EI.Dosing sẽ có rất nhiều clip hướng dẫn cho bạn. Vì bài viết mang tính chất cộng đồng cho mọi người nên mình sẽ không đi sâu về phương pháp này. Tuy nhiên, mình có thể sử dụng nó để tính toán lượng chất cần châm và nồng độ châm qua trang này:

https://rotalabutterfly.com/nutrient-calculator.php

Như bạn thấy, bạn có thể nhập số lít hồ bạn vào(nhớ trừ đi độ choán nước của phân nền và đồ trang trí khoảng 30%). Chọn DIY nếu bạn xài tự pha, không thì bạn chọn Premixed là phân nước của các hãng. Nếu xài DIY thì sẽ có một dãy những chất bạn pha, nếu bạn không biết được thành phần phân nước bạn tự pha nữa thì mình cũng bó tay không giúp được :D.

Nếu bạn chọn Premixed và xài Flourish Potassium, bạn muốn tìm liều lượng châm phân nước cơ bản cho hồ bạn thì bạn có thể sử dụng Estimate Index(cả tuần, nó sẽ chia ra số ngày bạn cần châm, châm bao nhiêu.v…v) còn không bạn xài EI daily nếu như bạn muốn châm hằng ngày.

Bạn sẽ châm từ 2-4 lần mỗi tuần. Lưu ý EI chỉ xài được nếu bạn có CO2 đầy đủ và lưu thông nước tốt nha. với mức giới hạn là 30ppm Kali một tuần thì chia cho 4 sẽ ra được 7.5ppm cho 4 ngày.

Các điểm lưu ý:

  1. các bạn nào châm phân nước vi lượng và đa lượng thì phải châm mỗi loại cách 1 ngày, không được châm cùng 1 ngày. Ví dụ hôm nay châm đa lượng, thì mai châm vi lượng, không dùng cùng 1 ngày có những chất sẽ tác dụng với nhau chuyển hóa thành chất khác khiến cây không hấp thụ được mà TDS lúc nào cũng tăng thêm còn có thể gây ô nhiễm thêm nguồn nước. Luôn luôn châm đa lượng và vi lượng ở khác ngày.
  2. Những bạn dùng seachem flourish nên nhớ không được châm quá liều, nó sẽ lên rêu rất dữ. Luôn luôn chậm Flourish của seachem đúng liều. Những ngày sau bạn có thể châm thêm Trace của Seachem và các nguyên tố đa lượng. Flourish được dùng làm nền thôi không sử dụng để bón phân thay cho N,P,K bón phân riêng được.
  3. Một điều bạn lưu ý nữa là nếu bạn có tỉa cây và cắm lại ngọn xuống đất để phát triển thành bụi thì bạn sẽ cần phải tăng lượng phân nước lên. Ví dụ 1 cây cần 0.05 mg/l NO3 thì cắt làm đôi nó sẽ cần 0.1 mg/l NO3. Chú ý chỉ gấp đôi nhu cầu của những cây bạn tỉa và cắm lại và chỉ châm phần phân nước tăng thêm đó sau khi cây bén rễ và mọc nhánh để tránh bị rêu hại.
  4. Theo dõi cây trồng và sử dụng phân nước từng loại cho phù hợp. Ví dụ Thiếu Kali thì chỉ châm thêm kali, Phosphate thì chỉ châm thêm phosphate. Không châm những loại phân nước hỗn hợp cho việc giải quyết thiếu hụt 1 chất vì sẽ càng gây thêm rêu.
  5. Luôn luôn có một chế độ bón phân nhất định và thay nước định kỳ cuối tuần để hạn chế tối đa dinh dưỡng dư thừa cây không sử dụng được.
  6. Nên bón phân vào khoảng thời gian cây quang hợp mạnh nhất, thường là 1-2 tiếng sau khi mở đèn(với điều kiện CO2 đầy đủ), vì điều này sẽ giúp cho dinh dưỡng của bạn không bị sử dụng bởi rêu hại quá nhiều.
  7. Chú ý rằng cây cắt cắm chủ yếu hút dinh dưỡng trong phân nền nên nếu bạn châm quá nhiều phân nước thì sẽ dẫn tới sự dư thừa mặc dù cây thủy sinh nào cũng có thể hấp thụ chất dinh dưỡng qua thân và lá.
  8. Nếu bạn chỉ có phân nước hỗn hợp, việc bạn cần làm là mua phân nước cho từng đa lượng N, P và K. Đây là điều tối thiểu để hồ bạn có lượng cây phát triển mạnh hơn rêu và tảo hại.

c. Bảng Mulder theo dõi dinh dưỡng:

Bảng Mulder là bảng cho thấy sự ảnh hưởng của 1 chất tới các chất khác khi nó đạt nồng độ cao. Màu đỏ thể hiện sự ngăn cản hấp thụ chất mũi tên hướng tới của cây khi nồng độ của chất ở vị trí mũi tên bắt đầu có nồng độ cao. Màu xanh lá cây thể hiện sự gia tăng hấp thụ do chất được xét có nồng độ cao.

Ví dụ:  Kali(Potassium) có nồng độ cao sẽ làm giảm sự hấp thụ của Canxi, Mg, Boron, Phosphate và Nitơ.
Nitơ ở nồng độ cao sẽ ngăn cản sự hấp thụ của Kali,Boron và Copper(Đồng)
Kali ở nồng độ cao sẽ tăng sự hấp thụ Fe và Mn.
Nitơ ở nồng độ cao sẽ tăng sự hấp thụ của Mg và Mo.

Đây là bảng rõ hơn để các bạn theo dõi:

Tương tự, các bạn có thể theo dõi thông số hồ nếu có thể để biết được lý do cây thiếu chất dù bạn châm vẫn đầy đủ.

d. Hướng dẫn châm liều lượng chung:

Ta sẽ chia một tuần ra để phân ngày châm phân nước. Chú ý phân nước lean là phân nước được tính toán liều lượng vừa đủ dùng trong thời gian ngắn. Càng lean thì thời gian cây hấp thụ sẽ càng ngắn. Tương ứng với điều đó là thời gian giãn cách giữa các lần châm phân nước cũng ngắn lại. Ví dụ phân nước ADA rất lean, chính vì vậy mà liều lượng hướng dẫn là châm mỗi ngày.

  •  Lợi thế của phân nước lean là bạn ít có rêu hại vì lượng dinh dưỡng dư ít và tồn tại không lâu trong hồ. Bù lại, bạn phải châm mỗi ngày và chỉ cần ngừng một ngày hay hai ngày thì cây sẽ bọ shock rõ rệt. Phân nước lean với hồ lớn cũng không kinh tế vì nó rất tốn.
  • Lợi thế của phân nước đậm đặc là hồ bạn không sợ thiếu dinh dưỡng, bạn có thể không châm hai ba ngày vẫn được. Bù lại, lượng dinh dưỡng nhiều và tồn tại lâu trong hồ sẽ làm hồ bạn dễ lên rêu.

Nhận biết được mình cần loại phân nước nào sẽ ảnh hưởng tới tần suất và liều lượng bạn châm.

Đây là hướng dẫn cho phân nước có độ đậm đặc vừa. Yêu cầu phải có một chai phân nước tổng hợp, các phân nước riêng cho từng nguyên tố đa lượng và chai cho nguyên tố vi lượng.

  • Ngày đầu bạn châm phân nước tổng hợp bất kỳ làm nền. Phân nước làm nền là phân nước có đầy đủ các thành phần. Ví dụ Flourish seachem hay all in one( chú ý nếu xài all in one thì chỉ xài nửa liều). Nhớ châm phân nước đúng liều lượng. Bạn châm thêm Nitrogen Seachem và Phosphorus seachem. Flourish Advanced nếu muốn
  • Ngày thứ hai bạn châm Potassium seachem và iron seachem, excel seachem
  • Ngày thứ ba bạn châm trace và nitrogen seachem.
  • Ngày thứ tư bạn châm phosphorus seachem và potassium seachem
  • Ngày thứ năm bạn châm iron,excel và nitrogen seachem.
  • Ngày thứ sáu bạn châm potassium và trace và phosphorus
  • Ngày thứ bảy bạn thay 50% nước và không châm gì

bạn có thể thay thế các chất trên bằng hãng khác

Trả lời

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Post comment