Trồng cây thủy sinh, Thủy canh dù là loại bày trên bàn hay trong bể cá cũng giúp tạo ra một hệ sinh thái đa dạng, không chỉ là nơi trú ngụ cho cá, làm sạch bể mà còn khiến cho không gian nhà bạn trở nên sang trọng hơn rất nhiều giúp lọc sạch không khí tạo môi trường trong lành cho ngôi nhà bạn.
Mẫu hồ thủy sinh đẹp được cập nhật liên tục trên kênh Youtube: BestAqua
1. Tác dụng của cây thủy sinh
1.1 Loại cây trồng trong bể cá
– Như một hệ thống lọc nước
Các loài thủy sinh có thể hấp thụ và loại bỏ các chất thải do các sinh vật trong nước, thức ăn thừa, vật liệu phân hủy và các các kim loại nặng tạo ra. Cách lọc hoàn toàn khác với các bộ lọc khác. Nếu như các bộ lọc cơ học càng lâu sẽ càng mất hiệu quả thì thực vật thủy sinh sẽ ngày càng phát triển và lọc liên tục, làm chất lượng nước bể cá tốt hơn nhiều.
Không những thế, những loại cây này còn giúp bổ sung một khoảng trống ở bề mặt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi phát triển, cung cấp thêm lọc sinh học cho bể cá cảnh.
– Cung cấp oxy cho bể nuôi cá
Thay vì đặt viên sục khí và máy thổi khí vào bể cá thì bạn có thể thay thế vào đó các loài cây sống dưới nước. Chúng vừa cung cấp đủ lượng oxy, vừa hấp thu lượng carbon dioxide (CO2) mà cá thải ra.
– Loại bỏ rêu tảo
Vấn đề mà nhiều người nuôi cá cảnh vẫn gặp khó khăn để xử lý đó là tình trạng rêu tảo phát triển. Sở dĩ rêu tảo sinh sôi là do các chất dinh dưỡng dư thừa và ánh sáng có trong bể cá, nên khi trồng càng nhiều các loài thủy sinh, cây sẽ hấp thụ phần dinh dưỡng thừa này, đẩy lùi rêu tảo. Nhờ vậy, người nuôi cũng sẽ ít tốn thời gian, công sức để dọn dẹp bể cá hơn.
– Là nơi trú ngụ của cá
Nếu là người nuôi cá lâu năm, bạn sẽ biết về tình trạng tranh giành lãnh thổ của cá, chúng có thể cắn vây của nhau. Nên nuôi cây trong bể sẽ tạo ra nhiều nơi trụ ngú, ẩn nấp cho cá. Thậm chí, có một số loài cá còn sinh sản, để trứng trên lá cây, vì thế mà số lượng cá ngày càng tăng lên.
Ngoài ra, cây cũng làm cho bể cá thêm sinh động, đẹp mắt hơn rất nhiều.
1.2 Loại cây để bàn
– Có công dụng trang trí không gian nhà, văn phòng, bàn làm việc,… mang lại cảm giác tươi mát, dễ chịu, tăng cảm hứng làm việc, giảm stress.
– Một số loại cây ngoài trang trí còn có tác dụng lọc không khí, chất độc, bức xạ rất tốt. Bên cạnh đó, nhiều loại cây còn giúp mang đến may mắn, tài lộc cho người sở hữu.
– Tiết kiệm không gian, diện tích cho phòng hay nhà vì nhỏ gọn, không quá lớn.
2. Các loại thực vật thủy canh để bàn
2.1 Cây hồng môn thủy canh
Nếu muốn chọn một loại cây sống trong nước làm điểm nhấn cho không gian sống thì cây hồng môn rất phù hợp, với màu sắc phong phú và hình dáng đa dạng của nó. Đặc biệt, nếu trồng hồng môn trong các chậu thủy tinh trong suốt thì sẽ càng tôn thêm vẻ đẹp ấn tượng của nó.
Bên cạnh đó, cây hồng môn còn mang ý nghĩa của sự trong sạch và thanh cao.
2.2 Cây huệ tây thủy canh
Huệ tây hay còn được gọi là hoa dạ lan hương. Loài hoa này có nhiều màu sắc như hồng, đỏ, xanh, trắng,… Màu sắc rực rỡ, dáng vẻ tao nhã với những bông hoa hình chuông tạo thành tháp, cây huệ tây để bàn khiến cho căn phòng thêm phần sang trọng hơn.
2.3 Cây kim ngân thủy canh
Ngoài được trồng trong chậu đất thì cây kim ngân trồng trong nước cũng rất được ưa chuộc hiện nay. Nó có khả năng thích nghi rất cao trong nhiều môi trường.
Cây kim ngân được xem là loài cây rất tốt về phong thủy, giúp mang lại nhiều may mắn cho gia chủ. Nhất là khi cây được trồng trong nước, vừa mang giá trị phòng thủy, vừa tôn lên giá trị trang trí của nó nữa.
2.4 Cây thịnh vượng thủy canh
Cây thịnh vượng trồng trong nước rất được yêu thích, phù hợp làm cây cảnh để bàn vì nó sống tốt trong môi trường máy lạnh, cũng là một loại cây ưa bóng. Cây thịnh vượng dễ trồng, thân thẳng, cành có màu trắng ngà, lá cây có màu xanh pha lẫn hồng và ở trên lấm tấm những đốm màu xanh rất đẹp.
Cây thịnh vượng trong nước được xem là cây mang ý nghĩa của sự thịnh vượng và giàu sang. Hiện nay, loài cây này cũng được trồng khá phổ biến.
2.5 Cây phát tài thủy canh
Đây cũng là một loại cây để bàn được yêu thích. Trong phong thủy, cây phát tài mang ý nghĩa rất tốt. Bên cạnh đó, kết hợp trồng cây phát tài trong chậu thủy tinh với các yếu tố Ngũ hành Mộc – Thổ – Thủy – Kim, nên càng được người chơi cây cảnh, giới nội thất đặc biệt ưu ái.
Đặt cây phong thủy trong nước ở bàn làm việc, bàn uống trà, bàn phòng khách,… tạo màu xanh cho không gian và sự thoải mái cho người ở trong không gian đó.
2.6 Cây thường xuân thủy canh
Cây thường xuân khá dễ trồng, chỉ cần đặt cây vào trong nước là có thể sống được. Với những cành mềm mại, tán lá rập rạp, thường xuân trồng trong nước để bàn rất thẩm mỹ và nổi bật.
Không những thế, thường xuân có khả năng hấp thu rất tốt một loại chất là nguyên nhân gây ung thư và khó thở – formaldehyde.
3. Các loại thực vật thủy sinh cho bể cá cảnh
3.1 Cây rong đuôi chồn thủy sinh
Rong đuôi chồn phổ biến và thông dụng, chúng cũng tương đối dễ sống, không đòi hỏi chế độ dinh dưỡng phải cao cũng như không yêu cầu chăm chút nhiều. Khi trồng có thể thả cây tự do trong nước, không nhất thiết phải cắm xuống đất. Song tốc độ phát triển của rong đuôi chồn rất nhanh nên cần chú ý cắt tỉa phù hợp để không chiếm quá nhiều diện tích.
– Vị trí: Rong đuôi chồn thường được chọn để trang trí hậu cảnh hoặc trung cảnh của bể cá.
3.2 Cỏ thìa thủy sinh
Cỏ thìa là loài cây ưa sáng, ở môi trường có ánh sáng mạnh, cây phát triển nhánh mạnh, còn ở môi trường ánh sáng yếu hơn thì cây sẽ phát triển về chiều cao. Trung bình, cỏ thìa cao khoảng 5 – 15 cm. Chúng khá dễ trồng và chăm sóc nhờ bộ rễ khỏe.
Khi chọn cây cỏ thìa cho bể cá, tốt nhất nên chọn những cây đã có lá dài mượt, không nên chọn những cây mới. Cây mới khi mới ngâm xuống nước sẽ dễ bị chết đột ngột.
– Vị trí: Cỏ thìa là một loài thủy sinh đẹp, thích hợp để trang trí tiền cảnh hoặc trung cảnh cho hồ thủy sinh.
3.3 Cây súng thủy sinh
Súng thủy sinh có khả năng bắt sáng tốt, hình dáng và cách phân bố lá rất đẹp. Những tán lá của cây sung thủy sinh sẽ bung ra trong nước như những mảng tảo lớn. Hiện nay, súng thủy sinh là một loài rất được nhiều người chú ý, song nó lại khó sinh sản nên cũng khá hiếm.
– Vị trí: Trung cảnh của hồ thủy sinh.
3.4 Bèo Nhật
Trong môi trường nước tĩnh như bể cá thì bèo Nhật là loại cây thủy sinh rất thích hợp, giúp chúng có thể dễ dàng phát triển nhanh. Nếu bèo Nhật được trồng trong bể đặt ở nơi có ánh sáng tốt, độ ẩm cao thì lá sẽ khá to và đẹp.
Bên cạnh đó, bèo Nhật cũng có khả năng hút những chất độc và dư chất thừa có trong môi trường thủy sinh loại bổ Fe.
– Vị trí: Ở mặt trên của bể cá bởi bèo nhật là cây dạng nổi, lá cây ở trên mặt nước còn thân và rễ nằm dưới mặt nước. Nên trồng ít vì phát triển nhiều sẽ che sáng các hệ thực vật bên dưới trong bể cá
3.5 Thủy cúc thủy sinh
Trong môi trường thủy sinh, cây thủy cúc dễ trồng và dễ phát triển không cần co2. Cây phát triển rất tốt trong môi trường nhiều dinh dưỡng và ánh sáng tốt. Nên ở những bể cá có lượng dinh dưỡng dư thừa nhiều, trồng thủy cúc sẽ là phù hợp nhất.
– Vị trí: Với tốc độ sinh trưởng nhanh của mình, thủy cúc thích hợp trồng ở hậu cảnh. Đồng thời chú ý cắt tỉa thường xuyên.
3.6 Trân châu Cuba, trân châu ngọc trai thủy sinh, trân châu nhật
Cây trân châu khá nhỏ, nên muốn có được khung cảnh đẹp như ý muốn thì phải trồng nhiều. Loài thủy sinh này rất dễ trồng, dễ chăm sóc, trong môi trường không đòi hỏi nhiều dinh dưỡng, cây vẫn phát triển khá tốt.
Trồng trân châu trong chậu thủy sinh thực sự rất có lợi, bởi cây hấp thụ khá nhiều khí CO2 và khả năng tạo bọt khí O2 trong môi trường nước cũng rất nhiều.
– Vị trí: Tiền cảnh, trung cảnh hoặc buộc vào giá thể.
3.7 Cây rong đuôi chó
Rong đuôi chó có thể được xem là một trong những loài thủy sinh đẹp và dễ trồng nhất không cần phân nền, chúng dễ sống và phát triển cũng khá nhanh. Rong đuôi chó cũng là một loài cây được ưa thích và khá phổ biến nhờ không đòi hỏi nhu cầu dinh dưỡng cao và không cần dòng nước có trong bể cá.
– Vị trí: Cây rong đuôi chó thường được chọn để làm hậu cảnh trong hồ thủy sinh.
3.8 Cây la hán xanh thủy sinh
Muốn trồng cây la hán xanh tốt và phát triển thì cần phải có dòng chảy nhẹ trong bể thủy sinh. Nhưng đổi lại, cây không yêu cầu nhiều dưỡng chất và khá dễ chăm sóc. Tốc độ sinh trưởng của cây cũng khá nhanh nên cần phải cắt tỉa thường xuyên.
– Vị trí: Có thể trồng cây la hán xanh để làm cây hậu cảnh hoặc trung cảnh cho hồ thủy sinh.
3.9 Rêu Java thủy sinh
Rêu Java cũng là một loại rêu dễ trồng, phát triển nhanh, phù hợp dùng làm trang trí cho hồ thủy sinh thêm đẹp mắt.
Nếu trồng cây ở nơi có ánh sáng quá mạnh thì màu của rêu Java lên không đẹp, hơi xám và tối. Nên phải trồng nơi ánh sáng trung bình nếu muốn cây lên đẹp.
– Vị trí: Rêu Java thường được buộc vào lũa, đá hoặc làm nền.
3.10 Cây hẹ thẳng thủy sinh ( Hẹ nước)
Cây hẹ thẳng có bộ rễ phát triển khá nhanh và mạnh. Rễ cây ăn sâu vào nền, khi thay đổi vị trí hay bố trí lại bể cần tránh làm động nền. Đồng thời, nếu muốn cây đẹp nên đặt ở gần dòng nước. Ngoài ra, hẹ thẳng cũng khá dễ trồng, khả năng phát triển nhanh.
– Vị trí: Đặt ở vị trí làm hậu cảnh cho hồ thủy sinh.
4. Cách chăm sóc cây thủy sinh
4.1 Loại cây để bàn ( Thủy canh)
Ánh sáng
Ánh sáng rất cần thiết để cây sinh trưởng và sống lâu. Nên kê đặt cây ở những vị trí có ánh sáng như gần cửa sổ, cửa kính, cửa ra vào hay phòng rộng có ánh sáng chiếu vào. Nếu phòng không có ánh sáng thiên nhiên thì chúng ta dùng ánh sáng điện.
Nước
Nước là yếu tố cần thiết để quyết định đến độ bền của cây. Đối với thực vật thủy sinh nên thay nước định kỳ 3-7 ngày một lần. Không nên để nước quá lâu, nước sẽ bẩn, nhiều vi khuẩn… ảnh hưởng đến độ bền cây.
Mỗi lần thay nước cho cây nên lắc đổ hết nước cũ và thay hoàn toàn bằng nước mới.
Không nên hoặc ít nhấc rễ ra khỏi chậu, vì mỗi lần nhấc rễ ra khỏi chậu, bộ rễ rất dễ bị va chạm và xây xước khiến vi khuẩn xâm nhập hại cây. Nhưng nếu thấy một số rễ thối thì nhấc rễ ra khỏi chậu và cắt tỉa rễ thối, tránh hiện tượng rễ thối lây lan.
Mỗi lần thay nước cho cây, mực nước chỉ đổ 2/3 bộ rễ của cây. Chú ý không được đổ ngập bộ rễ, sẽ gây thối rễ và thối lá, cây sẽ nhanh chết.
Phân bón
Mỗi lần thay nước xong nên cho 1-2 giọt dịch thủy sinh hoặc 1-2 viên B1 để cây có chất dinh dưỡng nuôi cây.
4.2 Loại cây trồng trong bể cá
Ánh sáng
Mỗi loài thủy sinh khác nhau thì sẽ có nhu cầu về ánh sáng không giống nhau. Tuy nhiên, với những người chơi thủy sinh lần đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm thì có thể áo dụng một số cách chiếu sáng như:
– Chiếu sáng liên tục: Bật từ 8h hoặc 9h sáng cho đến 20h hoặc 21h (trung bình từ 8 – 12h/ngày)
– Chiếu sáng không liên tục: Cũng đảm bảo thời gian chiếu sáng 8h/ngày nhưng thời gian chiếu sáng ngắt quãng, bao gồm: bật từ 8h – 12h rồi tắt 3 tiếng và bật lại từ 15h – 19h. Hoặc bật từ 6h – 7h, tắt từ 7h – 9h, bật 9h – 13h, tắt từ 13h – 16h, rồi lại bật từ 16h – 20h hoặc 22h.
Cách này vừa tiết kiệm được 8h/ngày mà vừa giúp giảm lượng nhiệt cho nước, giảm khả năng tăng rêu hại.
Các loại cây thủy sinh giúp cho bể cá và cả không gian nhà trở nên lung linh, sang trọng hơn rất nhiều.
Thay nước
Việc thay nước sẽ giúp đưa hồ cá về trạng thái ổn định khi đã loại bỏ được các chất hòa tan, các hóa chất có trong hồ. Thông thường, khoảng 1 – 2 tuần thay nước một lần và chỉ thay khoảng 30 – 50% nước trong hồ, tùy thuộc vào số lượng cá nuôi và chất lượng của hệ thống lọc nước.
Khi thay, nên chắc chắn nước dùng để thay có cùng nền nhiệt độ. Nếu khác nhau, sự thay đổi nhiệt độ quá đột ngột với biên độ lớn sẽ gây sốc cho cá, dẫn đến tình trạng cá bị bệnh hoặc chết. Cũng không nên dùng nước máy khi chưa qua xử lý, chlorine và chloramines có trong nước máy có thể giết chế cá và hại các thực vật thủy sinh.
Vị trí đặt hồ thủy sinh
Nên đặt hồ thủy sinh ở nơi thông thoáng, có ánh sáng tự nhiên hoặc đèn nuôi cây. Hạn chế nơi có ánh sáng quá mạnh hoặc quá tối.
Bệnh của các loại thủy sinh
Thực vật thủy sinh thường yếu do bộ rễ bị tổn thương. Để cải thiện tình hình, có thể rửa bằng nước vôi mỗi ngày, liên tục trong một tuần. Sau mỗi lần rửa, cho cây vào môi trường nước dinh dưỡng theo định lượng.