NHỮNG SAI LẦM THƯỜNG GẶP KHI THỰC HIỆN BÀI THI IAPLC

Sau khi nộp bài thi đến khi nhận kết quả cuộc thi IAPLC hàng năm là những chuỗi ngày tiếc nuối của những thí sinh dự thi vì những dự định chưa làm được và cả những điều luyến tiếc do những sai lầm không thể sửa chữa.

Ngày qua ngày, năm qua năm đồng hành cùng các bạn của tôi, tôi nhận  ra rằng có những sai lầm được thường xuyên lặp lại ở mỗi mùa thi với các bạn của tôi từ những bạn “kỳ cựu” cho đến những “newbie” chính hiệu. Vì thế để hạn chế những sai lầm cho mùa thi mới, tôi xin liệt kê ra những lỗi lầm không thể khắc phục ngay khi chốt hình thi mà phải chờ đến mùa thi năm sau để tôi và các bạn làm “check list” cho IAPLC 2021 và các năm sau.

Những sai lầm chúng ta hay mắc phải làm ảnh hưởng đến hình ảnh dự thi có thể kể ra như sau:

  1. Làm hồ thi quá muộn so với hạn nộp bài thi (deadline):

Làm hồ thi muộn có nghĩa là bạn phải nộp bài thi khi chưa thực sự hoàn thành và tác phẩm dự thi của bạn sẽ gặp phải các vấn đề sau đây:

  • Làm hồ quá muộn, bạn sẽ không nhận được sự ưu đãi tốt nhất của thời tiết, thời điểm nộp bài thi là vào cuối tháng 5 hàng năm, nhiệt độ lúc này tại Việt Nam chúng ta ở thời điểm này thường khá cao (trên 29°C) nên sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến sự phát triển của đại đa số cây thủy sinh. Lúc này đa số người làm bài thi muộn nếu không muốn bị ảnh hưởng bởi thời tiết sẽ phải tốn một số tiền lớn để mua chiller và hóa đơn tiền điện cũng sẽ tăng kha khá đấy nhé.
  • Làm hồ quá muộn, cây cối không đủ thời gian sinh trưởng và đạt trạng thái đẹp nhất.
  • Làm hồ quá muộn, nếu có bất kỳ thay đổi, sai sót hay sự cố nào của hồ thi bạn sẽ không có đủ thời gian để khắc phục.
  • Làm hồ quá muộn, bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ hạn chế hơn từ đồng đội. Deadline đến, bạn nào cũng cần chốt hình, nếu có thể tự chụp ảnh bạn sẽ chủ động được thời gian chốt hình dự thi nhưng nếu bạn phải cần sự trợ giúp từ các đồng đội thì mọi người sẽ hỗ trợ cùng lúc yêu cầu của các bạn như thế nào đây?
  • Làm hồ quá muộn, bạn sẽ phải tiếc nuối vì những dự định còn dang dở khi phải kết thúc bài dự thi mà không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ thi. ☹

Để khắc phục lỗi này thì bạn cần có sự chuẩn bị từ sớm và nên bắt đầu ở thời điểm phù hợp nhất trong năm. Đối với Việt Nam chúng ta thì thời gian hợp lý nhất để thực hiện bài thi là từ tháng 10 hàng năm đến tháng 01 của năm kế tiếp. Thời gian tốt nhất để hoàn thành một bài thi là từ 3 đến 6 tháng tùy theo chủng loại cây, bố cục và sự hiểu biết của bạn về các loại cây thủy sinh được bạn sử dụng trong bài thi.

  1. Lựa chọn loại cá không phù hợp với hồ thi:

Đối với cuộc thi IAPLC, tiêu chí quan trọng và chiếm tỉ trọng điểm cao nhất trong bài dự thi là tái tạo môi trường sống phù hợp cho các loại sinh vật được nuôi trong hồ dự thi. Do vậy, các sai lầm về lựa chọn loại cá sẽ ảnh hưởng khá lớn đến kết quả dự thi. Có thể liệt kê một số ảnh hưởng khi những chuẩn bị về cá không tốt như sau:

  • Bố cục không có chỗ cho cá bơi: các bố cục thiếu dòng chảy, không thông thoáng đều không thể là môi trưởng tự nhiên phù hợp cho cá sinh sống và sinh trưởng và quan trọng là cá sẽ không thể bơi đẹp để bạn chụp ảnh được.
  • Cá và bố cục không phù hợp với nhau: môi trường bể thủy sinh của bạn hoàn toàn khác môi trường sống trong tự nhiên của cá. Cá quá to hoặc quá nhỏ so với bố cục. Chọn các loại cá không bơi theo đàn.
  • Thả cá quá muộn: cá không kịp làm quen với môi trường hồ mới nên không đẹp và không thoải mái.

Để có được một hình ảnh hồ đẹp, một đàn cá long lanh đang bơi thoải mái trong bố cục thủy sinh của bạn, bạn cần phải có sự chuẩn bị thực sự nghiêm túc, cần tìm hiều rõ sự phù hợp của loài cá sẽ nuôi trong hồ thi như xuất xứ, điều kiện sống, đặc tính, kích cỡ … của loài cá đó đối với bố cục dự thi. Khi làm bố cục phải đảm bảo được các điều kiện đế chúng có thể sinh sống tốt nhất. Nên thả cá từ sớm và có sự huấn luyện hướng cá bơi như ý tưởng ban đầu (thông thường là qua việc cho ăn) để cá làm quen dần. Đến khi chụp hình chỉ đơn giản là diễn lại việc hàng ngày. Nếu không làm được như vậy thì ít nhất bố cục phải có đường cho cá bơi để mà đuổi. Bạn phải hạn chế việc đặt câu hỏi sau trong tầm 1 tuần trước khi chốt ảnh dự thi: “Hồ của TUI dùng cá gì thì đẹp vậy bạn ơi?”

  1. Những sai lầm khi thiết kế bố cục dự thi:

3.1 Bố cục quá sát mặt kính trước của hồ:

Một số hồ thi có thiết kế bố cục hai bên quá sát với mặt hồ phía trước, hậu quả là ánh sáng đèn ở các khu vực này sẽ rất yếu làm cho cây cối hai khu vực này không phát triển được, do khoảng trống này quá hẹp nên việc vệ sinh mặt kính hồ ở khu vực này cũng gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là khi chụp hình ánh sáng cũng sẽ rất tối và không thể có được 1 bức ảnh dự thi như ý. Lỗi này khá phổ biến, bạn để ý sẽ thấy khá nhiều tác phẩm dự thi mắc phải.

Để khắc phục lỗi này, bạn nên chú ý đảm bảo 1 khoảng không tối thiểu 5cm từ mặt kính đến vật liệu ở phía trước của bố cục (kể cả các bố cục hang động nhé bạn) để đảm bảo các khu vực này luôn nhận được đầy đủ ánh sáng, khi chụp hình nếu muốn tối bớt khu vực này bạn có thể che lại nguồn sáng chiếu vào các điểm này là xử lý được vấn đề.

3.2 Độ dày nền trước quá cao:

Mặt cát trước quá cao làm cho hồ thi không được thanh thoát và có cảm giác nặng nề. Riêng bản thân tôi thì hầu như mắc phải lỗi này hàng năm nhưng hiện tại vẫn chưa khắc phục được. Lỗi này cũng khá phổ biến nhưng đa số ảnh dự thi đã được BTC xử lý (crop lại) cho đẹp rồi.

Để khắc phục mặt cát trước của hồ nên thiết lập với độ dày khoảng 2 đến 3cm, thêm cây tiền cảnh cao khoảng 2cm, nền sẽ cao dần vào bên trong. Khi chụp ảnh chúng ta lấy toàn bộ khung kính của hồ thì ảnh hồ thi sẽ rất đẹp và chuyên nghiệp. Bạn có thể tìm xem các tác phầm dự thi của cao thủ Josh Sim người Malaysia.

3.3 Canh điểm vàng, đường chân trời cho bố cục theo mặt kính sau của hồ thi:

Khi thiết lập bố cục thường là chưa có nước và lỗi lầm ở đây là canh theo mặt kính sau của hồ. Ví dụ đường chân trời là ở 1/3 mặt kính sau hồ thi nhưng khi chụp hình nó ở vị trí là ½ của hình ảnh dự thi. Đến đây thì khóc tiếng gì đó luôn các bạn ạ. (Bạn có thể tham khảo bài thi IAPLC 2018 #101 Tri Ton – Viet Nam, với bài thi này đường chân trời ngay 1/2 hồ là do mình đã setup sai ngay từ đầu.)

Khắc phục lỗi này khá đơn giản, khi setup dù có hay không có nước bạn phải chú ý cân chỉnh điểm vàng, đường chân trời theo mặt kính trước của hồ thi.

3.4 Bố cục có những khoảng tối quá lớn:

Các bố cục có những khoảng tối quá lớn tạo ra sự chênh lệch rất lớn giữa vùng sáng và vùng tối làm cho việc chụp ảnh vô cùng khó khăn. Máy ảnh đa số có dải tần nhạy sáng thua xa mắt con người chúng ta nên những kiểu bố cục này khi xem trực tiếp rất đẹp nhưng khi lên ảnh thì kết quả rất tệ. Hầu hết các trường hợp này nếu không có phương án chiếu sáng hợp lý và thiết bị máy ảnh tốt thì bạn sẽ không thể nào tái tạo được chính xác ý tưởng ban đầu. (Bạn có thể tham khảo bài thi IAPLC 2016 #7 Long Tran Hoang – Viet Nam –> Bài thi này để có được vùng tối đủ chi tiết chúng tôi đã phải hy sinh chất lượng ảnh ở vùng sáng rất nhiều)

Để khắc phục lỗi này cần có phương án chiếu sáng hợp lý ngay từ khi thiết kế bố cục và chuẩn bị thiết bị chụp ảnh có dải tần nhạy sáng cao (*) nếu bắt buộc phải làm như vậy. Trong trường hợp đã đi đến phần chụp hình rồi thì bạn có thể tính phương án đuổi cá bơi qua các vùng tối này thì có thể khắc phục phần nào đó sự cố này.

  1. Những sai lầm khi thiết lập phần cứng cho hồ thi:

4.1 Khung treo đèn bố trí không hợp lý:

Khung treo đèn cho hồ thủy sinh thuờng được đặt sao cho nhìn vào mặt trước của hồ không bị vướng tầm nhìn. Thường đa số các bạn hay đặt ngay cạnh ở mặt kính sau của hồ cho đẹp, nhìn vào mặt trước của hồ bằng mắt thông thường là thấy khá ổn cả trong và ngoài hồ. Tuy nhiên khi chụp hình hồ thi, các vị trí hai góc bị che thiếu sáng hơn vùng giữa hồ nên hậu quả là ảnh chụp sẽ có 2 cọc đen tại hai góc hồ phía sau (bạn có thể tham khảo lỗi này ở tác phẩm dự thi IAPLC 2018 #176 Nguyen Ngoc Hieu – Viet Nam.)

Để khắc phục lỗi này bạn có thể chuyển 2 cây treo đèn sang cạnh mặt bên của hồ hoặc sử dụng phương án cây treo đèn khác.

Hình ảnh cung cấp bởi bạn Jacky Chun (nick facebook)

4.2 Dán decal ở ngay mặt sau của hồ:

Đối với các hồ thủy sinh thông thường (không được thiết kế để dự thi), bạn thường dán decal trắng hoặc trắng mờ trên mặt kính sau của hồ để để che bớt các vật dụng phía sau hồ giúp cho hồ đẹp hơn. Tuy nhiên nếu là hồ dự thi việc này sẽ là sự hạn chế khá lớn cản trở bạn có được một bức ảnh dự thi đẹp. Nguyên nhân phần giao giữa mặt nước và kính hình thành 1 gương cầu lồi có điểm hội tụ ngay sau mặt kính do “Hiện tượng dính ướt và không dính ướt” (*), nếu bạn dán decal mờ thì điểm hội tụ này sẽ tạo ra một vạch sáng trắng ngăn giữa mặt nước và dưới mặt nước ngay trên lớp decal làm hình ảnh chụp hồ thi không đẹp và rất khó xử lý bằng cách điều chỉnh đèn hay thông số của máy ảnh. (bạn có thể tham khảo lỗi này ở tác phẩm  IAPLC 2019 #80 Long Tran Hoang – Viet Nam)

Hiện tương dính ướt và không dính ướt, Hiện tượng mao dẫn

Để khắc phục lỗi này thì đơn giản bạn chỉ không dán decal trắng hay bóng mờ ngay trên  mặt kính sau của hồ mà thay vào đó là 1 tấm phông màu trắng đặt phía sau hồ tầm 15cm đến 20cm có thể điều chỉnh được độ nghiêng.

 

4.3 Sử dụng keo dán hồ màu đen:

Mặc dù hồ bạn sử dụng là hồ kính không kiềng nhưng nếu dùng keo đen vẫn bị xuất hiện hai vạch đen trên hình mà không có cách nào khắc phục. Ảnh sau đây là hồ của của tôi setup vào khoảng năm 2014 đã gặp phải lỗi này.

Để khắc phục lỗi này bạn nên chú ý khi chuẩn bị hồ thi phải là hồ không kiềng dán dấu keo, đương nhiên phải là keo trong suốt nhé.

4.4 Đặt hồ thủy sinh quá sát tường:

Khi đặt hồ thủy sinh quá sát các bức tường khi chụp ảnh hồ thi bạn sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý độ sáng trên nền (background) hồ và khó khăn khi setup khung che sáng hai bên hồ.

Để khắc phục lỗi này: Bạn hãy cố gắng có được 1 khoảng trống từ 15 đến 20cm ngay phía sau hồ thi để có thể bố trí được một tấm phông phẳng có thể điều chỉnh góc và chỗ để có thể kê 1 cây đèn (cũng có thể điều chỉnh được độ nghiêng) để điều chỉnh độ sáng cho background của hồ một cách dễ dàng như mục 4.3.

Trên đây là tổng hợp của mình về một số lỗi thường gặp khi thực hiện hồ thi IAPLC mong rằng có thể giúp được các bạn “new bie” tránh qua các lỗi cơ bản này củng như là check list để các anh em “kỳ cựu” kiểm tra trước khi thực hiện bài thi hàng năm của mình. Trong phạm vi bài viết này nêu bạn phát hiện được vấn đề nào chưa hợp lý xin các bạn góp ý thêm để mình hoàn thiện bài biết này hơn nữa nhé. 

Nguồn: Nhiếp ảnh thủy sinh

Trả lời

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Post comment