Mối quan hệ giữa dòng chảy, Co2, ánh sáng, dinh dưỡng tới sự phát triển của rêu chùm đen – Loại rêu khó chịu nhất trong bể thủy sinh.
Chào các bạn, đây là bài viết đầu tiên trong loạt bài Mối quan hệ giữa dòng chảy, Co2, ánh sáng, dinh dưỡng tới sự phát triển của rêu chùm đen – Loại rêu khó chịu nhất trong bể thủy sinh.
Bài viết được thực hiện bởi team Haquila Light.
Bài 1/ Dòng chảy:
Dòng chảy hay còn được gọi là luồng luân chuyển nước trong hồ thủy sinh là một vấn đề rất quan trọng nhưng chúng ta thường hay bỏ qua khi set up và chăm sóc hồ. Trong bài nghiên cứu “The interaction of water flow and nutrients on aquatic plant growth “ được thực hiện bởi Mark N. Crossley và các cộng sự của mình, bằng thực nghiệm họ đã chỉ ra rằng ở hồ có dòng chảy mạnh, cây có thể phát triển thêm tới 81%. Ngoài ra, rất nhiều nghiên cứu khác về sự ảnh hưởng của dòng chảy cũng đã được tiến hành và kết luận chung của những nghiên cứu này có thể được khái quát như sau:
– Dòng chảy là cách hiệu quả nhất để luân chuyển các thành tố bao gồm dinh dưỡng (dd), Co2, cặn bẩn hữu cơ,… trong hồ thủy sinh.
– Dòng chảy tốt sẽ hạn chế các điểm chết trong hồ. điểm chết ở đây được hiểu là nơi mà lưu lượng nước luân chuyển qua ít nhất, cách nhận biết các vị trí này là cặn bẩn sẽ lắng dần và tích tụ tại đây mà không được sử lý bởi bộ lọc vi sinh. Việc này sẽ làm gia tăng đáng kể nồng độ chất hữu cơ trong nước (water column)
– Dòng chảy mạnh giúp tăng giao động giữa bề mặt nước với không khí, qua đó tăng hiệu quả hòa tan oxy vào nước và khuếch tán Co2, oxy đóng vai trò quan trọng như Co2 trong quá trình hô hấp của thực vật thủy sinh.
– Dòng chảy mạnh tạo điều kiện để các cây phát triển mạnh bộ rễ, đặc biệt là các cây họ Ráy, dương xỉ. các cây họ này rất ưa hồ có dòng chảy mạnh, ở những hồ này bộ rễ phát triển mạnh hơn, lá cây cứng cáp hơn so với hồ có dòng chảy yếu.
Các lưu ý để đạt hiệu quả tối đa về dòng chảy trong hồ:
– Đối với những hồ có bố cục thoáng, ví dụ như hồ IWAGUMI, vị trí đặt của đầu in (đầu nước vào) và đầu out (đầu nước ra) không quá quan trọng. Hiện tại mình đang sử dụng 1 lọc Eheim 2217 1000l/h cho hồ 70 40 40
– Đối với hồ có bố cục phức tạp (ví dụ như layout rừng), dòng chảy trong hồ dạng này thường bị phân tán, chúng ta không thể loại bỏ hết các điểm chết, do đó cần thường xuyên vệ sinh các vị trí này.
– Tốc độ luân chuyển của nước có thể được tăng lên, hoặc giảm đi bằng cách thay đổi tiết diện của đầu in và đầu out. Để tăng tốc độ luân chuyển nước, chúng ta có thể sử dụng đầu in có tiết diện nhỏ (fi12 – 12mm) kết hợp với việc tăng tiết diện của đầu out ( Fi16 – 16mm).
– Dòng chảy trong hồ thủy sinh nên được điều chỉnh tùy theo chu kì phát triển của hồ thủy sinh.
Kết Luận:
Dòng chảy trong hồ thủy sinh nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng khoa học, bằng chứng là việc đã có hàng trăm bài nghiên cứu đã được thực hiện từ những năm 1976. Về cơ bản, dòng chảy trong hồ thủy sinh là một yếu tố rất dễ kiểm soát nhưng lại mang tới những hiệu quả bất ngờ. Nếu kiểm soát tốt vấn đề dòng chảy trong hồ chúng ta sẽ hạn chế rêu hại cũng như thúc đẩy tốc độ phát triển của thực vật,…